426 — Làm thế nào để tạo ra những người nhân viên biết nắm bắt cơ hội?

Con người ở thời kỳ sơ khai thường kiếm thức ăn bằng cách xua đuổi các loài thú săn mồi khỏi con mồi mà chúng vừa tiêu diệt. Họ sau đó dùng bộ lông của con thú để sưởi ấm, kiếm thêm đồ ăn dọc đường từ rễ các loại cây ăn được, chế tạo công cụ từ đá, cành cây, và đi thăm dò, thám thính, tìm nơi trú ẩn an toàn qua đêm. Họ là những người biết nắm bắt cơ hội. Chúng ta – con người hiện đại vẫn vậy. Quần áo chúng ta mặc hàng ngày phản ánh điều kiện thời tiết. Chúng ta lái xe nhanh hay chậm phụ thuộc vào điều kiện giao thông. Tương tự như vậy, chúng ta làm gì suốt 8 tiếng trên bàn làm việc phần lớn là sự phản hồi lại những người khác xung quanh ta.

Các công ty thông minh sẽ khai thác kỹ năng cơ bản này của con người bằng cách xây dựng một nền văn hóa công sở nơi nhân viên suy nghĩ và hành động một cách đầy cơ hội, tận dụng lợi thế từ các cơ hội bất ngờ. Nó mang lại tăng trưởng và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Niels Henrik David Bohr – nhà triết học huyền thoại người Đan Mạch có câu nói nổi tiếng: “Tiên đoán là điều rất khó khăn, đặc biệt là về tương lai”. Với sự thay đổi chóng mặt của thế giới hiện tại, việc dự đoán chưa bao giờ khó khăn đến vậy. Chính vì thế, trái ngọt sẽ thuộc về những doanh nghiệp không tìm cách dự đoán những điều không thể biết trước được mà giúp đỡ nhân viên nhìn nhận thấy và nắm bắt cơ hội trước mắt họ. Việc có kế hoạch từ trên xuống dưới là cần thiết, nhưng nhiều quá sẽ dẫn tới sự bị động ở các nhân viên cấp dưới.

Để nhân viên nắm bắt được cơ hội, họ cần phải biết:

  1. Kế hoạch công việc tổng thể: Hướng đi của công ty và cách họ nhìn nhận vị trí của mình trong bản kế hoạch ấy, cộng với các thông tin cơ bản về tài chính, khách hàng, nguồn lực và sản phẩm – chúng giúp họ đưa ra được các quyết định đúng đắn.
  2. Khi nào phải chủ động ra quyết định, khi nào cần tham khảo ý kiến của cấp trên hoặc các phòng ban khác. Đâu là ranh giới mà trong đó họ có thể tự do hành động, đâu là ranh giới họ cần dừng lại, và đâu là ranh giới nơi họ cần được kéo vào.
  3. Họ cần các mối quan hệ cá nhân bền chặt và sự tin tưởng, mang lại cho họ sự tự tin để hành động khi thấy thời cơ đến. Nắm bắt cơ hội sẽ là rất rủi ro nếu không có sự tự tin đến từ kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.

Mỗi nhân viên đều có thể trở thành một nhà khởi nghiệp

Tôi (tác giả – ND) đã từng làm việc với một công ty nơi các lái xe chuyển phát hàng hóa mỗi ngày được trao cho hàng chục cơ hội tiếp cận khách hàng để mở rộng công việc kinh doanh của công ty. 

Đáng tiếc là công ty đó lại không nhìn nhận đúng vai trò của những người lái xe trong việc phát triển kinh doanh. Chức năng đó được trao cho phòng marketing. Vậy là mỗi ngày những người lái xe lại phải nhìn những cơ hội ấy trôi qua. Phía công ty cũng không nhìn ra được những thiệt hại mà họ bỏ phí mất.

Hãy tưởng tượng mỗi người nhân viên đều được giải phóng tiềm năng của họ như một doanh nhân, một nhân viên bán hàng thành một nhân viên R&D, một nhân viên marketing, hay một nhân viên chăm sóc khách hàng.

Giải phóng những gì có sẵn trong gen của nhân viên. Nó tốt cho họ và tốt cho doanh nghiệp.