424 — Làm thế nào để “kết thân” với sếp của bạn?

 

darthvader face

Biến đổi sếp của bạn từ hình tượng một gã khổng lồ, như mẹ như cha, trở lại thành một con người gần gũi bình thường, có thể là một trải nghiệm rất đặc biệt. Làm như vậy có thể giúp bạn xây dựng một kỹ năng rất giá trị cho các công việc trong tương lai.

Cảm nhận của chúng ta về sếp của mình đến phần lớn từ thời thơ ấu, khi chúng ta có trải nghiệm với các vị sếp đầu tiên trong đời, chính là cha mẹ – những “người khổng lồ” thực sự trong tâm hồn trẻ thơ. Gánh nặng về mặt tâm lý này theo chúng ta mãi về sau, khiến cho chúng ta khó có thể nhìn nhận những cá nhân có thẩm quyền như sếp là một người…bình thường. 

Nhưng quả thật họ cũng chỉ là con người như chúng ta mà thôi, với những suy nghĩ, lo toan, cảm xúc yêu, ghét, khúc mắc trong gia đình,…May mắn thay, bạn có thể thực hiện một số việc nhằm giúp xây dựng một mối quan hệ gần gũi, “bình thường” hơn với sếp của mình.

Hãy mở lòng ra và bắt đầu bằng việc nói chuyện

Hãy bắt đầu với một sự thật. Những người lãnh đạo thường cảm thấy bị cô lập, bị “cho ra rìa” trước vòng xoáy những điều xảy ra bên dưới họ. Đây là vấn đề nan giải với những CEO vốn nằm trên đỉnh kim tự tháp quyền lực. Sự cô lập này xảy ra khi nhân viên không cảm thấy thoải mái với việc mở lời nói chuyện xã giao bình thường mà nhường “quyền” đó cho người sếp của mình. Điều này làm hạn chế sự giao tiếp chiều từ dưới lên trên.

Các quản lý cấp cao khao khát cải thiện các mối quan hệ và những luồng thông tin từ nhân viên, nhưng họ không biết làm cách nào để thay đổi tình hình. Một số người còn được dạy rằng không nên giữ các mối quan hệ cá nhân với cấp dưới bởi điều đó có thể cản trở việc đưa ra những phản hồi tiêu cực, hoặc dẫn tới việc bị nhìn nhận là một sự thiên vị.

Nếu bạn là một người nhân viên, việc cải thiện mối quan hệ với sếp của bạn không cần phải là điều gì đó thật to tát. Có thể đơn giản chỉ là mỉm cười chào họ vào mỗi buổi sáng, đề cập đến kết quả trận bóng đêm trước, hay hỏi thăm cuối tuần của họ như thế nào. Một lời nhận xét hay chia sẻ nhỏ có thể mở đường cho một cuộc trò chuyện, và dẫn tới việc người lãnh đạo đó cũng cởi mở hơn với bạn. Dưới đây là một cách thậm chí còn chủ động hơn.

Tôi (tác giả) đã từng dạy các khóa học về quản lý tại Đại học UC Irvine. Học viên là những giám sát viên hay quản lý còn ít kinh nghiệm với những vị trí này. Một nhiệm vụ tôi giao cho họ là áp dụng những gì học trên lớp vào thực tiễn công việc hàng ngày của họ. Một bài tập là thực hành các cuộc “Phỏng vấn văn hóa”. Mỗi học viên phải tiến hành “phỏng vấn” một người họ làm việc cùng nhưng không biết rõ về bản thân họ. Kết quả luôn hết sức ấn tượng. Dưới đây là một ví dụ.

Mike là một kỹ sư tuổi ngoài 20, làm việc ở một công ty tư vấn có 12 người. Mike cảm thấy xa cách với vị chủ công ty, người mà Mike nói rằng: “Luôn dành quá nhiều thời gian ngồi trong phòng làm việc”. Mike quyết định mời vị chủ nhân đi ăn chưa và tiến hành “phỏng vấn” ông này. Mike khá e ngại với kế hoạch này, nhưng được cả lớp động viên. Trong buổi học tuần sau đó, Mike cho biết cuộc hẹn đã diễn ra rất tốt đẹp. Sau buổi ăn trưa ấy, người chủ đã thay đổi. Ông ta đi lại trong văn phòng nhiều hơn và chủ động bắt chuyện với nhân viên của mình. “Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông ấy làm vậy”, Mike cho biết.

Hai năm sau đó, tại một hội nghị chuyên môn, Mike đã tìm gặp bằng được tôi và hào hứng thông báo rằng anh ấy đã được đề cập lên chức Chánh văn phòng. Mike nói rằng sự đề bạt này chính là bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn ngày hôm ấy. Nó đã làm thay đổi mối quan hệ của anh và sếp của mình.

Làm điều gì đó cùng nhau

Một cách bình thường hơn, và cũng rất hiệu quả để xây dựng một mối quan hệ, đó là cùng nhau làm điều gì đó. Đó có thể là cùng nhau làm việc trong một dự án kinh doanh, hoặc thứ gì đó đời thường hơn, chẳng hạn cùng nhau tham gia đội bóng, cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ,…

Điều gì sẽ xảy ra nếu nỗ lực “xây cầu nối” của bạn với sếp thất bại?

Một số nhà quản lý sử dụng vai trò của họ để tự cô lập bản thân và tránh những sự thân mật với nhân viên cấp dưới. Những người quản lý đó thường thấy việc duy trì các mối quan hệ là điều quá khó, vì vậy họ thích giữ khoảng cách với nhân viên hơn. Trong trường hợp này nỗ lực cải thiện mối quan hệ với cấp trên của bạn có thể sẽ phải thất bại.

Nếu những nỗ lực lặp đi lặp lại của bạn, nhằm thiết lập mối quan hệ tốt hơn với sếp sau cùng đều chẳng đi tới đâu cả, bạn có thể đang phải đối đầu với một trong những vị sếp cực kỳ khó tính và đáng sợ. Trong trường hợp này bạn không thể làm gì được nhiều. 

Nếu việc thiếu một mối quan hệ gần gũi thực sự là một vấn đề, giải pháp tốt nhất cho bạn có lẽ là tìm một vị trí khác, nơi có một người lãnh đạo cởi mở hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ kém gần gũi với người quản lý trực tiếp của mình chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới quyết định xin thôi việc.