111 — Văn hóa doanh nghiệp – lợi thế cạnh tranh quan trọng vẫn còn bị bỏ ngỏ

Điều gì làm nên thành công của một doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt? Nhân sự mạnh? Tài chính dồi dào? Lãnh đạo “có tầm”? Đó có lẽ là những câu trả lời bạn thường nghe thấy nhất. Song còn một yếu tố quan trọng khác chưa được quan tâm đúng mức, đó chính là văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp của một công ty chính là tính cách của nó. Đó là niềm tin, giá trị và thực tiễn chung, được chia sẻ bởi mọi cá nhân trong doanh nghiệp; là cách mà tổ chức của bạn giao tiếp với thế giới xung quanh.

Cũng như cá tính của mỗi cá nhân, quyết định đến mọi hành động của họ, văn hóa doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới mọi việc mà nhân viên làm. Từ mức độ nhiệt huyết mà họ đóng góp vào công việc chung, khả năng giải quyết vấn đề, sự sáng tạo đổi mới, chất lượng phục vụ khách hàng, năng suất công việc, chất lượng công việc, đến sau cùng là lợi nhuận của toàn doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp quyết định một cá nhân, một bộ phận, hay toàn bộ doanh nghiệp, có thể đảm nhận tốt vai trò của mình hay không? có kịp thời nắm bắt cơ hội hay không? có sẵn sàng nhắm tới hướng đi mới sáng tạo hơn hay không?

Văn hóa và cá tính là tương đồng với nhau, bởi xét về lịch sử, văn hóa được phát triển nên từ chính con người, nhằm giải quyết và đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Khi chúng ta nói về văn hóa của một quốc gia, một khu vực, hay một tổ chức, chúng ta sử dụng những từ ngữ dễ dùng để nói về một cá nhân.

Ví dụ, chúng ta có thể nói một nền văn hóa là thân thiện, cởi mở, hợp tác, năng động, hay cứng nhắc, quyết liệt. Những tính từ này cũng hoàn toàn có thể dùng để mô tả về một con người.

Để có thể hiểu vì sao nhân sự trong một công ty lại làm những việc như họ làm, hãy nhìn vào văn hóa của doanh nghiệp đó. Hay nói một cách khác, nếu muốn hiểu về văn hóa của một doanh nghiệp, hãy nhìn vào chính những gì mà những con người trong doanh nghiệp đó làm.

Văn hóa chính là bản chất của một doanh nghiệp

Một con người không thực sự có thực thể tách biệt nào gọi là Cá tính. Nó nằm trong cách họ sống hàng ngày, suy nghĩ của họ, sự pha trộn riêng giữa cảm xúc, thái độ và hành vi của họ.

Tương tự như vậy, một công ty không có phòng ban, bộ phận riêng biệt nào gọi là Văn hóa cả. Công ty chính là một nền văn hóa, chính là cách riêng biệt mà nó, cùng với các nhân sự của mình vận hành và tương tác với thế giới xung quanh.

Một văn hóa doanh nghiệp chứa đựng mọi thứ làm nên tổ chức ấy và cách thức mà mọi bộ phận cùng nhau vận hành. Nó là một sự kết hợp độc đáo giữa trang thiết bị máy móc, quy trình, sự phân cấp nhân sự, hệ thống quản lý, hệ thống báo cáo, những sự giao tiếp và các mối quan hệ,…

Mặc dù vậy, khi nhắc đến văn hóa doanh nghiệp chúng ta lại thường chỉ nói về các yếu tố con người. Điều này chẳng khác nào nói về cá tính của một con người mà bỏ qua các yếu tố vật chất như cơ thể họ, sức khỏe, giới tính của họ vậy.

Để hiểu về văn hóa của một doanh nghiệp, nhìn vào hành động của những cá nhân trong doanh nghiệp đó

Văn hóa doanh nghiệp là sân khấu, là tấm phông nền cho những gì mà nhân viên thực hiện, cho mọi điều đã, đang và sẽ diễn ra tại doanh nghiệp ấy.

Nếu mọi người cởi mở, thẳng thắn và gắn bó, bạn sẽ biết đó là xuất phát từ văn hóa của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu mọi người tỏ ra khép kín, cứng nhắc, thụ động, bạn cũng có thể kết luận rằng đó là từ văn hóa của doanh nghiệp mà ra.

Nhân viên luôn hướng về lãnh đạo của họ để biết được cách cư xử đúng mực trong doanh nghiệp. Mặc dù hầu hết mọi người đều muốn cởi mở và gắn kết, nhưng họ chỉ có thể thoải mái với điều đó, nếu họ nghĩ rằng các lãnh đạo của họ, hay nói cách khác là văn hóa của doanh nghiệp họ, muốn mọi chuyện như vậy.

Trong mọi tổ chức, 80% thành viên rất “linh hoạt” trong việc thích ứng theo môi trường làm việc. Nếu họ cảm thấy văn hóa doanh nghiệp mong muốn, họ sẽ trở nên gắn kết, có trách nhiệm, dễ chịu và làm việc năng suất. Ngược lại, họ có thể trở nên khép kín, thiếu trách nhiệm, dẫn tới năng suất lao động sụt giảm.

Các cuộc khảo sát những năm gần đây liên tục cho thấy chỉ khoảng 1/4 nhân viên các doanh nghiệp thực sự tích cực trong công việc của họ. Còn lại tới 1/2 không hề tỏ ra nhiệt tình, hay quyết tâm cống hiến. Ngoài ra còn có khoảng 1/5 là những người có suy nghĩ tiêu cực về công ty và công việc của họ.

Bởi vì hầu hết thái độ của nhân viên là đến từ văn hóa doanh nghiệp, những kết quả khảo sát này gián tiếp chỉ ra sự thật đáng buồn: 3/4 văn hóa tại các doanh nghiệp là thuộc diện kém phát triển.

Một công ty có văn hóa doanh nghiệp phát triển mạnh có thể dễ dàng đánh bại đối thủ cạnh tranh

Văn hóa doanh nghiệp thường là gốc rễ làm nên thành công hay thất bại. Nó là cơ sở dẫn tới các vấn đề liên quan tới con người, như trong giao tiếp, phối hợp nhóm, năng suất, hiệu quả công việc, động lực, tinh thần,…

Một người lãnh đạo có thể trực tiếp thay đổi văn hóa của doanh nghiệp, dù nó là điều rất khó. Bởi văn hóa thường rất “dị ứng” với những sự thay đổi.

Văn hóa của một doanh nghiệp tác động tới mọi điều liên quan đến nó, bao gồm cả lợi nhuận. Bởi vậy, theo nhiều cách nhìn khác nhau, văn hóa là điểm mấu chốt thực sự dẫn tới thành công.

Một công ty với văn hóa doanh nghiệp phát triển mạnh, “rộng mở” với mọi đóng góp của nhân viên, có thể dễ dàng đánh bại các đối thủ có văn hóa doanh nghiệp “nghèo nàn” hơn, nơi nhân sự ít tham gia và gắn kết mình với thành công chung hơn.

Hãy xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo cách bạn mong muốn

Để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo ý mình là điều đơn giản, song không hề dễ dàng. Nếu bạn muốn mọi người gắn kết hơn với nhau, hãy tự mình gắn kết với họ trước. Nếu muốn mọi người đóng góp tích cực hơn vào công việc, hãy lôi kéo họ vào bằng cách giao nhiệm vụ cụ thể. Nếu bạn muốn có không gian giao tiếp và quan hệ gần gũi giữa mọi người, đơn giản là hãy chủ động giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt với họ.

Khi bạn tạo ra được một môi trường làm việc nơi nguyện vọng của nhân viên được đáp ứng tốt hơn (như sự ghi nhận, sự sáng tạo, trách nhiệm, năng suất), hiệu suất làm việc của cả công ty sẽ dần tăng lên một cách hoàn toàn tự nhiên.

Như phân tích ở trên, văn hóa doanh nghiệp có thể tác động trực tiếp tới lợi nhuận, nó là điểm mấu chốt thực sự quan trọng mà mọi nhà lãnh đạo không thể bỏ qua. Đáng buồn thay, ở hầu hết các công ty, nó vẫn là một tài sản lớn chưa được để tâm khai thác.