418 — Biến một nhóm đông thành viên thành một nhóm nhỏ hơn đầy độc lập, tự chủ

Nơi làm việc luôn tràn ngập các cơ hội để có thể khai thác tinh thần độc lập, một giá trị rất quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp. Khơi dậy tinh thần này sẽ có giá trị khích lệ rất lớn, như ở câu chuyện dưới đây.

Những cuốn sách, bài giảng lịch sử luôn chứa đầy những câu chuyện về những con người, những dân tộc bị áp bức đấu tranh giành độc lập cho bản thân họ. Tinh thần trên đã ăn sâu vào trong tiềm thức của đại bộ phận con người trên Thế giới, từ các nước nay đã rất phát triển như Mỹ, Nhật, tới các nước đang phát triển như Việt Nam. Các tập đoàn hiện đại có thể khai thác chính tinh thần này, để mỗi nhân viên trở thành những cá thể độc lập, tự do suy nghĩ, có trách nhiệm, có giá trị và sáng tạo.

Cơ hội “giành độc lập” cho tất cả nhân viên

Trong một cơ sở liên hợp ở California của một công ty nhà nước, tôi (tác giả) làm việc với ban lãnh đạo nhằm xây dựng một nhóm giải quyết các vấn đề của nhân viên. Họ tồn tại một vấn đề rất lớn – Bắt buộc làm việc vào dịp cuối tuần. Đây là một chính sách gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ. Một số người thích điều đó để được nhận lương làm thêm giờ. Tuy nhiên rất nhiều người chán ghét nó, coi đó là một sự phá vỡ tới nhịp sống riêng tư của gia đình họ. Ban lãnh đạo mời các tình nguyện viên tham gia thành lập một nhóm nhân viên có nhiệm vụ nghiên cứu, thảo luận về vấn đề, từ đó đưa ra các giải pháp.

Tổng cộng có 24 nhân viên đã xung phong tham gia. Ban lãnh đạo quyết định sẽ chọn từ đó ra 12 người lập thành một nhóm làm việc. Tôi đề nghị họ tạo điều kiện tổ chức một buổi họp giải quyết vấn đề với các tình nguyện viên, chủ đề sẽ là “Giảm từ 24 tình nguyện viên xuống thành nhóm làm việc 12 người”. Ban lãnh đạo hoài nghi về khả năng những người hăng hái xung phong này có thể lựa chọn loại ai, giữ ai, để giảm nhóm xuống còn 1 nửa thành viên. Mặc dù vậy, họ đã chấp nhận logic của Quy tắc vàng trong văn hóa: “Nếu mọi người bị ảnh hưởng bởi một quyết định, tốt nhất là họ nên tham gia vào việc ra quyết định ấy”. Bởi vì tôi là người đưa ra gợi ý, và vì cuộc họp xem ra sẽ khó khăn, họ yêu cầu tôi đứng ra làm người điều phối.

Tạo ra một nhóm làm việc hiệu quả, tự chủ

Toàn bộ 24 tình nguyện viên có mặt tại buổi họp. Tôi vạch ra cho họ thấy quy trình có thể sử dụng để cắt giảm thành viên của nhóm xuống còn 12 người. Đầu tiên, họ cần phải bàn luận và quyết định xem tiêu chí đưa ra để lựa chọn thành viên là gì. Tiếp theo đó họ cần bầu chọn và xếp hạng mọi người, theo từng tiêu chí ấy. Cuối cùng top 12 người có điểm số cao nhất sẽ được đưa ra bàn luận, đánh giá thêm 1 lần nữa, lấy sự đồng thuận từ tất cả mọi người. Sau cùng, nếu mọi việc suôn sẻ, đó sẽ là 12 thành viên được giữ lại của nhóm.

“Kết quả sẽ nằm hoàn toàn trong tay các bạn”, tôi nhấn mạnh. 

Tất cả mọi người đều đồng ý và tôi có thể thấy họ rất hào hứng với cảm giác được nắm quyền kiểm soát đối với quyết định này. Các tiêu chí họ liệt kê ra khá đơn giản, ở mức cơ bản. Nhóm 12 người cuối cùng phải đại diện cho:

+ Mỗi bộ phận trong công ty

+ Mỗi nhóm tuổi khác nhau

+ Những người mong muốn làm việc vào cuối tuần và những người không muốn điều đó

+ Những người không hài lòng và đã từng lên tiếng, và những người sẵn sàng lên tiếng vì mọi người

Tôi truyền đến tay họ tờ giấy ghi tên toàn bộ thành viên và yêu cầu họ nghĩ đến các tiêu chí trên trong lúc lựa chọn ra top 12 người xứng đáng nhất theo từng tiêu chí. Họ mất khoảng 10 phút để làm điều này. Tôi đứng ra tổng hợp kết quả và in ra cho mỗi người 1 bản. Tôi hỏi họ hãy nhìn vào top 12 người có điểm số cao nhất và so sánh thêm 1 lần nữa với các tiêu chí đặt ra.

“Nếu chúng ta đồng ý với danh sách 12 người này, liệu họ có đại diện cho các nhóm người, các khía cạnh mà các bạn thấy nên góp mặt hay không?”. Họ đồng thanh trả lời: “Chắc chắn là có”.

Mọi người rời buổi họp đều tỏ ra ngạc nhiên, ấn tượng, tự hào, và sau cùng là hài lòng với những gì họ đạt được. Những người không thuộc vào nhóm 12 người được lựa chọn có thể đã cảm thấy thất vọng, nhưng vì chính họ cũng là một phần của quyết định sau cùng, họ đã rất hài lòng với nó.

Ban lãnh đạo còn hơn cả hài lòng

Phản ứng của ban lãnh đạo trước 12 cái tên được lựa chọn là: “Đó là một nhóm cực kỳ tốt. Chúng tôi cũng không thể tự mình lựa chọn tốt hơn nữa. Nếu chúng tôi là người đưa ra lựa chọn, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều, phản đối, đặc biệt là từ những người không được chọn. Chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng lại quy trình này”.