131 — Văn hóa doanh nghiệp tác động thế nào đến hành vi của người lao động?

Trí tưởng tượng của nhân viên là điều truyền cảm hứng cho hành động của họ. Khi nhân viên cảm thấy tích cực, họ sẽ hành động tích cực theo. Người lãnh đạo có thể chủ động tạo ra trạng thái tích cực này bằng cách cho họ cảm thấy những tính cách “tích cực” như: trung thực, quan tâm, tin tưởng, tôn trọng và thấu hiểu.

Suy nghĩ – Cảm nhận – Hành động

Hành vi của người nhân viên tuân theo trí tưởng tượng của họ. Chúng ta có thể không nhận ra rằng trí tưởng tượng có trước hành động của mình, nhưng sự thật là như vậy. Các huấn luyện viên hiểu rõ điều này nhất. Họ luôn yêu cầu vận động viên của mình luyện tập chuẩn bị sẵn tâm lý cho trận đấu sắp tới.

Chúng ta lựa chọn thái độ của chính mình

Ở mọi khoảnh khắc trong ngày, mỗi người nhân viên đều tự lựa chọn thái độ của mình, cho dù nó là hiệu quả hay không, sáng tạo hay không, hợp tác hay không, đúng giờ hay không, ở hay về,…Và mọi người nhân viên đều đưa ra lựa chọn đó phù hợp theo văn hóa của doanh nghiệp, theo sự kỳ vọng tại văn phòng của mình, hoặc nói cách khác là tiêu chuẩn, hay nguyên tắc tại nơi đó.

Với một văn hóa doanh nghiệp phù hợp, mọi người sẽ tưởng tượng đến việc cống hiến nhiều hơn trong công việc, tham gia nhiều hơn, có trách nhiệm hơn. Với một văn hóa doanh nghiệp tệ hại, người nhân viên sẽ ít muốn đóng góp hơn.

Nếu mọi người không được đáp ứng nguyện vọng tại nơi làm việc, họ có thể từ bỏ hoặc thậm chí tệ hơn!

Phần lớn nhân viên muốn có một ngày làm việc thuận lợi, cảm thấy công việc hiệu quả, được ghi nhận sự đóng góp của mình, sau đó về nhà với tâm trạng mong chờ đến ngày làm việc tiếp theo. Nếu văn hóa doanh nghiệp không thể cho phép điều này, nhân viên sẽ cảm thấy nản lòng.

Một người nhân viên khi cảm thấy chán nản với công việc sẽ giảm dần năng lượng, sáng tạo và trách nhiệm. Một số có thể sẽ xin thôi việc. Số khác có thể trở nên khó chịu ra mặt, hung hăng, che giấu những thông tin cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp. 

Trong một môi trường làm việc mang tính “thù địch” như vậy, một ai đó thậm chí có thể tìm cách “trả đũa” chính doanh nghiệp của mình. Trong nhiều trường hợp mang tính cực đoan và nghiêm trọng còn có thể dẫn tới những hành vi phạm pháp, làm phương hại đến mọi người xung quanh.

Đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp mang lại lợi nhuận rất lớn

Bạn có thể đánh giá cái giá phải trả của việc nhân viên có tinh thần và động lực kém khi chứng kiến năng suất lao động tăng theo quá trình cải thiện văn hóa doanh nghiệp. Khi văn hóa phát triển, năng suất lao động sẽ tăng từ 10 đến 100%. Mức tăng này thể hiện chính phần năng suất lao động bị mất đi khi văn hóa của doanh nghiệp còn yếu kém. Nếu tính trên bình diện một quốc gia, thiệt hại này là vô cùng lớn.

Phát triển một văn hóa doanh nghiệp nơi mỗi người là một thành viên đầy hứng khởi, quan tâm, gắn bó và giá trị, là cách dễ dàng, tiết kiệm để người lãnh đạo tạo ra một bước nhảy vọt trong hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đưa họ vượt lên dẫn trước các đối thủ.