124 — Các nghiên cứu và báo cáo sẽ không giúp văn hóa doanh nghiệp phát triển

Văn hóa không phải là một vấn đề cần phải phân tích. Thậm chí đào sâu nghiên cứu về vấn đề này có thể làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bạn phát triển văn hóa của công ty mình bằng cách cùng nhau thực hiện. Đó là cách duy nhất.

Phát triển một văn hóa, hay hòa nhập các văn hóa với nhau, không phải giống như giải quyết một vấn đề về vận hành, hay cải thiện một quy trình công việc. Văn hóa không phải là một vấn đề, văn hóa giống một cá nhân vậy. Bạn có bao giờ nhìn nhận mình là một vấn đề không? Câu trả lời có lẽ là không.

Nếu một nền văn hóa được tiếp cận theo kiểu nó đang có vấn đề cần phải được “sửa chữa”, mọi chuyện có lẽ sẽ càng thụt lùi hơn mà thôi.

Giống như một con người, văn hóa không phải là một vấn đề để phân tích

Hãy tưởng tượng ai đó viết một báo cáo về bạn. Trong đó mô tả các đặc điểm về ngoại hình, cơ thể của bạn, giọng nói của bạn, cách bạn sống, làm việc, nguyện vọng, ước mơ, mục tiêu phấn đấu,…Dù có chi tiết đến đâu, tỉ mỉ đến đâu, chắc chắn bạn biết được rằng bản báo cáo ấy sẽ không thể thực sự nắm bắt được hết bản thân bạn là ai, bạn trải nghiệm cuộc sống của mình thế nào. Đặc biệt hơn là sẽ không thể dựa vào nó để dự đoán được bạn sẽ làm gì trong một tình huống cụ thể. Lời nói không thể diễn tả được hết trải nghiệm sống của bạn, hoặc lý do vì sao bạn lại có phản hồi như vậy trước một sự vật, sự việc. Những điều đó đến bản thân bạn nhiều khi cũng không thể hiểu được.

Các nhà tâm lý học cho biết, 80% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Và trong số 20% giao tiếp bằng ngôn ngữ còn lại, chỉ 25% là dựa trên lý trí. Điều đó có nghĩa là cùng lắm cũng chỉ 5% trong số những điều quan trọng nhất mà bạn trải nghiệm có thể được ghi nhận, kể cả bằng một loại phân tích hay thống kế tốt nhất đi chăng nữa.

Lý do dẫn tới các hành động của chúng ta là một thứ gì đó được giấu kín trong tiềm thức. Bản thân chúng ta cũng không biết được về “bí mật” này, chứ chưa nói đến những người khác. Tuy nhiên điều đó không quan trọng bởi hiểu được lý do dẫn đến hành động không quan trọng hay hữu ích bằng việc cùng nhau tiến về phía trước, cùng chinh phục các mục tiêu chung.

Trong một doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là mọi nhân sự sẵn sàng hợp tác với nhau để tạo dựng niềm tin, từ đó dẫn tới sự cởi mở và một mối quan hệ gắn kết. Mối quan hệ tích cực ấy sẽ dẫn tới sự nhiệt tình, sáng tạo và năng lượng trong công việc.

Tiến trình xây dựng mối quan hệ như vậy không phải là một hành động nhìn ngược về quá khứ và phân tích nó. Các mối quan hệ đòi hỏi sự tương tác, các phản hồi trong quá trình giao tiếp trong lúc cùng nhau tiến về phía trước.

Điều đó cũng hoàn toàn tương đồng với văn hóa doanh nghiệp. Bạn chỉ có thể biết, hoặc hiểu một nền văn hóa nếu cùng nhau làm việc, cùng nhau tương tác mỗi ngày. Tìm hiểu về ai đó, hay về văn hóa của một công ty nào đó, là một hành động mang tính tổng hợp (đòi hỏi sự hiểu biết tổng thể), chứ không phải là một vấn đề mang tính phân tích (đòi hỏi chia nhỏ vấn đề thành từng phần).

Coi con người là chủ thể chứ không phải đối tượng

Phát triển văn hóa doanh nghiệp là điều bạn làm cùng nhau, chứ không phải là điều bạn mang ra để phân tích. Khi nói đến khía cạnh con người trong một doanh nghiệp, Chính hành động của chúng ta, đặc biệt mà cách hành xử trước các tính huống, mới là điều tạo nên khác biệt.  Sự nhiệt tình tham gia đóng góp trong công việc sẽ không thể xảy ra nếu mọi người bị coi như một đối tượng, như một mô tả trong báo cáo, hay một thống kê khảo sát. Nó sẽ chỉ xảy ra khi mọi người gắn bó, được trân trọng và tham gia. Đó là một môi trường làm việc rộng mở với tất cả những giá trị mà mọi người muốn mang lại.

Thách thức nằm ở việc loại bỏ những rào cản về văn hóa trong sự tương tác giữa mọi người. Bạn có thể nhận ra những rào cản này trong quá trình cùng nhau làm việc, cùng tham gia vào tiến trình thay đổi văn hóa.

Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: khó khăn nhưng xứng đáng

Văn hóa doanh nghiệp chính là tính cách của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên việc thay đổi văn hóa khó khăn hơn việc “cải thiện” một tính cách không ổn, hay cứu vãn một cuộc hôn nhân trên đà sụp đổ. Thay đổi văn hóa liên quan đến những sự phức tạp của yếu tố con người và các nhóm lớn. Đó chính là một trong những hành động khó khăn nhất mà một người lãnh đạo phải thực hiện.

Đa số các nhà quản lý từng phát triển văn hóa doanh nghiệp tại cơ quan của mình thừa nhận đó là một quá trình khó khăn, nhưng phần lớn họ cũng công nhận đó là một trong những hành động khiến họ hài lòng nhất. Phần thưởng đến với họ từ những biến đổi tích cực trong năng suất công việc, trong thành công chung của doanh nghiệp. Sự hài lòng đến từ những thay đổi trong chất lượng đời sống công việc, cho bản thân họ và tất cả mọi người.